Tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền năm 2022

Thứ Tư, ngày 28 tháng 9 năm 2022 - 14:34


Sáng ngày 27/9/2022, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ TT&TT năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu tại Trụ sở Bộ, Văn phòng Bộ tại TPHCM, Đà Nẵng và 63 Sở TT&TT.

Dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Văn phòng Bộ các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ TT&TT; đại  diện lãnh các Sở TT&TT cùng hơn 400 cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; các Sở Thông tin và Truyền thông trên toàn quốc; các thành viên Ban Biên tập và các cộng tác viên của Cổng TTĐT của Bộ. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định, trong những năm qua, ngành TT&TT đã có sự phát triển bứt phá, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng và Nhà nước giao với nhiều thành tựu quan trọng. Các chỉ tiêu phát triển ngành cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, mức tăng trưởng gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức tăng trưởng 2% - 2,5% GDP của quốc gia. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành TT&TT phát động và điều phối được thực hiện với mục tiêu kép: vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra tầm thế giới. Các phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT tại nhiều diễn đàn đều có nội dung về chuyển đổi số, được các phương tiện truyền thông chuyển tải kịp thời và được quán triệt, đưa vào các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ, của Ngành và nhiều Bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Thứ trưởng đánh giá cao những đóng góp tích cực trong hoạt động truyền thông, góp phần phổ biến kiến thức, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động để làm nên những thành công bước đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ và trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao cho Bộ TT&TT. Thứ trưởng nhấn mạnh, “Công tác thông tin, truyền thông đã có những đóng góp không nhỏ, trong đó, có sự tham gia trực tiếp, tích cực của những người làm công tác thông tin và truyền thông trong toàn Ngành và những người đang có mặt tại Hội nghị hôm nay có vai trò hết sức quan trọng”.

Đồng thời Thứ trưởng cho biết, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT. Nghị định đã quy định rõ ràng, cụ thể vai trò, trách nhiệm của Bộ TT&TT trong tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghiệp công nghệ số, kinh tế số, xã hội số với sự ra đời của một số đơn vị mới như Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Cục Công nghiệp CNTT-TT, Vụ Kinh tế số - Xã hội số.

Các điểm cầu tại các Sở TT&TT

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thông tin truyền thông về các hoạt động của Bộ TT&TT, của ngành TT&TT trong tình hình mới, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo:

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố Trung ương cần bảo đảm cung cấp nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng quy định những thông tin, tài liệu chính thống cho Cổng, trang thông tin điện tử của Bộ, cơ quan đơn vị thuộc Bộ, các Sở TT&TT để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động của Bộ, của Ngành; Khi phát hiện có thông tin không chính xác, sai sự thật về hoạt động của Bộ, của Ngành hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách, cần thực hiện ngay việc phản hồi, cung cấp thông tin chính thống để phản bác, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Trang thông tin điện tử của đơn vị và trên báo chí; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý kịp thời.

Đối với Cổng TTĐT của Bộ, Trang TTĐT của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT, cần bảo đảm cập nhật, phản ánh kịp thời, chính xác, toàn diện về các hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT; Chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị để khai thác, tiếp nhận, chuyển tải thông tin chính thống về hoạt động của Bộ, của Ngành; Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, tạo sự hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của độc giả, công chúng; Chủ động phối hợp cung cấp thông tin, nguồn tin chính thông cho các phương tiện báo chí, truyền thông khai thác, sử dụng đăng tải, tạo sự lan tỏa thông tin tích cực về hoạt động của Bộ, của Ngành; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, phục vụ tốt hoạt động thông tin, truyền thông; Quan tâm chỉ đạo thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Đối với cán bộ, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thông tin, truyền thông, cần tuân thủ nghiêm túc quy định về kỷ luật thông tin, về quy trình khai thác, tiếp nhận, biên tập, cập nhật đăng tải thông tin trên Cổng, Trang TTĐT;  Chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc; Tự giác học hỏi, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền, trong đó đặc biệt không ngừng tìm tòi phương pháp mới để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ của mình; Chấp hành nghiêm túc các quy định phát ngôn trên mạng xã hội.

Sau phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận của đại diện lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Báo điện tử VietNamNet về những vấn đề liên quan đến tiến trình chuyển đổi số cũng như các kỹ năng trong công tác báo chí, tuyên truyền như: Truyền thông chính sách; Kỹ năng cung cấp thông tin phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền và xử lý khủng hoảng truyền thông; Truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Kỹ năng viết tin bài, thông cáo báo chí, ảnh, video mang tính tương tác trên môi trường điện tử.

Trong bài tham luận của mình, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh một số quan điểm, nhận thức mới về truyền thông chính sách. Theo đó, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền. Báo chí và các phương tiện truyền thông khác là những phương tiện, công cụ để thực hiện công tác truyền thông. Coi truyền thông là việc của báo chí là nhận thức không đúng. Chính quyền phải bố trí nhân lực, bộ máy chuyên trách về truyền thông, phải bố trí ngân sách cho truyền thông chính sách như dành cho các lĩnh vực khác y tế, giáo dục… Trong ngân sách cho truyền thông chính sách, có ngân sách dành cho báo chí và các phương thức truyền thông mới, phù hợp với xu thế. 

Trong phần trao đổi, đại diện lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Báo VietNamNet đã trực tiếp trả lời các câu hỏi về kinh nghiệm xử lý các vấn đề về truyền thông của Sở TT&TT, kỹ năng sử dụng công nghệ số, dữ liệu để viết tin bài trên môi trường điện tử. 

Ông Võ Quốc Trường - Giám đốc Trung tâm Thông tin,

Bộ TT&TT phát biểu kết luận Hội nghị tập huấn

Phát biểu tại Hội nghị với trách nhiệm là đơn vị chủ trì, giúp lãnh đạo Bộ tổ chức Hội nghị tập huấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Võ Quốc Trường cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Ngành TT&TT tạo thành một đôi cánh: một cánh là công nghệ số và một cánh là báo chí, truyền thông; Đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa, dựa trên sức mạnh nội lực vật chất và tinh thần”.

Do vậy, trong giai đoạn xây dựng và phát triển ngành trở thành ngành tiên phong, đi đầu, dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số quốc gia – “công cuộc Đổi mới lần thứ hai” của toàn Ngành, thì công tác thông tin, truyền thông nội bộ đóng vai trò và ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn Ngành, đưa những thông điệp của Bộ trưởng; những chủ trương, định hướng, chiến lược, chính sách của Bộ đến các đơn vị, các Sở TT&TT trên toàn quốc đồng bộ, một cách nhanh nhất.

Với những thông tin, kiến thức thiết thực và hữu ích được truyền đạt và thu nhận ngày hôm nay về: Truyền thông chính sách, Truyền thông nâng cao nhận thức chuyển đổi số, Kỹ năng truyền thông tương tác, Hội nghị hôm nay đã thành công tốt đẹp và công tác thông tin, truyền thông nội bộ sẽ đóng góp tích cực, đóng góp hiệu quả nhiều hơn nữa cho sự đồng thuận, tạo môi trường công luận ngày càng thuận lợi cho sự phát triển của toàn Ngành; góp phần thực hiện chủ trương, định hướng “Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường”./.

Theo mic.gov.vn