Đếm lùi thời gian bỏ sổ tạm trú, sổ hộ khẩu giấy: Tiên phong đi đầu, cải cách thủ tục hành chính

Thứ Ba, ngày 18 tháng 10 năm 2022 - 14:29


Trực tiếp cấp, quản lý sổ tạm trú, sổ hộ khẩu giấy, song Bộ Công an lại là đơn vị đi đầu, tiên phong, quyết tâm loại bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà đến người dân, doanh nghiệp có liên quan đến hai loại giấy tờ trên.

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, thay đổi phương thức quản lý từ truyền thống sang hiện đại tất cả nhằm mục tiêu duy nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đấu tranh hiệu quả phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực.

Mục tiêu duy nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp

Trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, ngày 12/1/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 12 triển khai thực hiện Quyết định số 10695 ngày 25/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an năm 2022. Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 192/227 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, trong đó có 9 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06.

Bộ Công an phân cấp đăng ký quản lý phương tiện xuống tận Công an xã để phục vụ dân.

Thông tin với PV, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về TTXH, Bộ Công an cho biết, nổi bật nhất trong đó là cung cấp nhóm dịch vụ công trực tuyến "cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông" ở mức độ 4. Kết quả này đã tạo thuận lợi cho người dân trong bối cảnh nhu cầu xuất cảnh đi nước ngoài tăng cao sau đại dịch. Đối với 2 dịch vụ công là "Đăng ký thường trú" và "Đăng ký tạm trú", hiện đang phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tham mưu Chính phủ đề xuất phương án sử dụng ngân hàng thương mại để thu phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Công tác triển khai mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến đã được lan tỏa từ Bộ xuống Công an các đơn vị địa phương trên cả nước, tiêu biểu trong đó có tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội. Mới đây, tại Hội nghị giao ban công tác Quý III và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định: Với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, trực tiếp chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo các cấp, sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng trong việc triển khai Đề án 06 nói chung và các bước chuẩn bị cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023.

Công an TP Hà Nội đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND TP hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của thành phố với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Thành phố đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (đạt 84%) với tổng số đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến gần 500.000 hồ sơ.

Thành phố đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành phấn đấu hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu trong đầu tháng 10/2022, đồng thời tổ chức tái cấu trúc các quy trình thủ tục hành chính đảm bảo theo lộ trình đến hết tháng 11/2022, hoàn thành tích hợp 929 dịch vụ công trực tuyến của thành phố lên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công thành phố có kết nối, chia sẻ với dữ liệu dân cư.

Đối với nhóm dịch vụ công trực tuyến của Công an thành phố, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, tính đến nay, Công an thành phố đã hoàn thành 92/126 dịch vụ công toàn trình. Ngày 22/9/2022, Công an thành phố đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ rà soát và báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc duyệt đưa ra công bố tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến đối với 48/126 dịch vụ công trực tuyến của Công an thành phố (không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp). Đồng thời tiếp tục phối hợp với các Cục nghiệp vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đưa ra lộ trình giảm dần thời gian, số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tiếp, tiến tới công bố 100% dịch vụ công của Công an thành phố được tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến vào cuối năm 2022.

Riêng Công an tỉnh Thái Nguyên, đối với 11 dịch vụ công của Công an tỉnh được giao, đơn vị đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công (xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD, cấp độ 3; cấp lại, đổi thẻ CCCD, cấp độ 3; đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, cấp độ 3; khai báo tạm vắng, cấp độ 4; thông báo lưu trú, cấp độ 4; con dấu, cấp độ 3; đăng ký, cấp biển số môtô, xe gắn máy cấp độ 3; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội) cấp độ 4; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông cấp độ 4).

Truyền cảm hứng để người dân đồng hành

Cũng theo Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an đã được đẩy mạnh phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Công an các đơn vị, địa phương đã tích cực nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, so với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến/trực tiếp dưới 10% ở thời điểm 6 tháng đầu năm. Đến Quý III năm 2022, Công an các đơn vị, địa phương đã tích cực nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, cụ thể số lượng hồ sơ đã giải quyết ngành Công an là 4.994.794 hồ sơ (trả đúng hạn là 4.963.074, đạt tỷ lệ 99,37%). Số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an là 2.009.667 hồ sơ.

Để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh  nghiệp, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trog đó có Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá danh mục các dịch vụ công chỉ tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến. Quan điểm chỉ đạo này của Bộ Công an được UBND TP Hà Nội đồng thuận cao, tạo hiệu ứng lan tỏa để tiến tới triển khai tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến đối với các dịch vụ công của các sở, ngành trên địa bàn TP, hướng tới nhân rộng ra toàn quốc. Hiện Công an TP Hà Nội đề xuất đưa ra danh mục 54 dịch vụ công tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến gồm có 37 dịch vụ công lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội, 16 dịch vụ công lĩnh vực về PCCC và 1 dịch vụ công trên lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Để "kéo" người dân, doanh nghiệp triển khai các thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến, Bộ Công an đẩy mạnh rà soát, xây dựng ban hành, quy trình điện tử nội bộ, cắt giảm thủ tục hành chính. Đại diện Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cũng thông tin: Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 5714 ngày 28/7/2022 phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, trong đó đặt ra lộ trình từ nay đến 2025 phải sửa 3 Luật, 10 Nghị định và 8 Thông tư của Bộ Công an do các thông tin đã được kết nối, khai thác trong các cơ sở dữ liệu Quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trên cơ sở hoàn thiện các quy trình điện tử, Bộ Công an xác định 62 dịch vụ công trực tuyến một phần; 165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường điện tử.

Muốn bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy để thay vào đó là phương thức quản lý số, hiện đại, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu là vô cùng quan trọng. Xác định rõ những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, năm 2022, bên cạnh việc đảm bảo hạ tầng mạng máy tính diện rộng ngành Công an hoạt động thông suốt, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số, Bộ Công an đã triển khai mở rộng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng máy tính diện rộng ngành Công an tới cấp xã, phường, trong đó trọng tâm đầu tư nâng cấp, thiết kế, triển khai hệ thống mạng theo công nghệ MPLS thay thế công nghệ cũ đang sử dụng. Bên cạnh đó, triển khai kết nối phần mềm bảo mật từ Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư tới 63 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 705 đơn vị cấp quận, huyện, 10.611 đơn vị cấp xã, phường.

Bộ Công an cũng phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng giải pháp ký số đối với hệ thống dịch vụ công của Bộ Công an sử dụng chứng thư số và thiết bị ký số tập trung ngành Cơ yếu; trang cấp 69.780 bộ sản phẩm chứng thư số, 36.748 SIM PKI phục vụ ký số, xác thực, bảo mật, tra cứu, cập nhật thông tin Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và cung cấp chữ ký số cá nhân, tổ chức cho tất cả các đơn vị, cán bộ có chức năng giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an. Đồng thời hoàn thành tổ chức tập huấn cho 2.400 học viên nắm, hiểu rõ, lan tỏa những giá trị cốt lõi, bền vững và tiện ích của dịch vụ công trực tuyến.

Để đáp ứng yêu cầu tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ngành Công an, kế nối, chia sẻ dữ liệu ngành Công an với các bộ, ngành, địa phương theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) của Bộ Công an bao gồm Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội ngành và trục tích hợp chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, dự kiến kế hoạch hoàn thành trong năm 2022. Đây cũng sẽ là những tiền đề quan trọng để phục vụ cho người dân, doanh  nghiệp bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý hai loại hình giấy tờ trên từ truyền thống sang hiện đại…

Theo cand.com.vn





Xem tin theo ngày:   / /