Tuyên Quang: Cải thiện thứ hạng về chuyển đổi số

Thứ Năm, ngày 22 tháng 12 năm 2022 - 13:43


Trong kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, chỉ tiêu về chuyển đổi số được nhận định chưa đạt, ảnh hưởng đến thứ hạng chuyển đổi số của tỉnh. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các sở, ngành, địa phương cần sớm có các giải pháp thực hiện chuyển đổi số, nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề của xã hội.

Theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Chính phủ giao cho Bộ Y tế xây dựng và triển khai lý hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong giai đoạn 2019-2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện xây dựng và triển khai giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, việc triển khai chỉ được thực hiện từ một phía là bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa ATK Yên Sơn phân trần, nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh không nhớ nổi các thông tin cần thiết như: số chứng minh thư, số căn cước công dân, mã định danh nên việc nhập dữ liệu để vào hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử không thể thực hiện được, nếu có rất mất thời gian. Để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân, không còn giải pháp nào khác là các y, bác sĩ của bệnh viện quay trở lại cách làm cũ, yêu cầu trình thẻ bảo hiểm y tế, bệnh viện cấp sổ giấy để quản lý, theo dõi quá trình khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Tổ công nghệ cộng đồng thị trấn Na Hang hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ số.

Theo Bà Hồ Thị Phương Lan, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ thông tin và Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, so với các tỉnh trong khu vực, tiến trình chuyển đổi số của tỉnh diễn ra muộn hơn. Nguyên nhân là nguồn kinh phí của tỉnh dành cho Chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp về hạ tầng, công nghệ kỹ thuật về công nghệ thông tin... để triển khai thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ. Hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số như: điện lưới, sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính... chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn ít. Báo cáo của Công ty điện lực Tuyên Quang toàn tỉnh hiện vẫn còn 8 thôn chưa lắp đặt được điện lưới quốc gia. Đây chính là trở ngại trong chuyển đổi số và ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người dân. Cùng với nguồn lực, hạ tầng còn hạn chế thì trình độ công nghệ thông tin của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Thêm vào đó, tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp về công nghiệp công nghệ thông tin, chưa có doanh nghiệp về công nghệ số, chủ yếu là các doanh nghiệp, cửa hàng mua bán các thiết bị văn phòng, máy tính và các phần mềm nhỏ, lẻ

UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số coi đó là nhiệm vụ mang tính cấp bách và lâu dài. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết, 6 quyết định, 16 kế hoạch làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong năm 2022 và các năm tiếp theo; tỉnh cũng kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh. Thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số cũng được quan tâm phát triển nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. Hiện 100% UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang. 1.408 thôn, bản, tổ dân phố đã có hạ tầng Internet cáp quang, đạt 81,2%; phủ sóng thông tin di động đến 1.675 thôn, đạt gần 97%; khoảng 3.000 cán bộ, công chức nhà nước tham gia các khóa đào tạo, chương trình bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số; 1.871 tổ Công nghệ số cộng đồng được thành lập với trên 10.200 thành viên hỗ trợ người dân tiếp cận và thích ứng với xã hội số, cuộc sống số. Các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng; sàn thương mại điện tử được thành lập đáp ứng nhu cầu giao dịch của các tổ chức, cá nhân. Đã có có 878 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên sàn thương mại với trên 2.400 sản phẩm được giao dịch; 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang khẳng định, năm 2023, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị, huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển số cho cán bộ, người dân; tranh thủ nguồn lực, xã hội hóa nhằm phát triển hạ tầng số theo hướng hoàn thiện nhằm phục vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội.  Hiện tại, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông như: Viettel, Vinaphone lắp đặt các trạm phát sóng đồng thời đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ theo Chương trình viễn thông công ích quyết tâm xóa hết các điểm lõm sóng điện thoại, Intenet trên địa bàn./.

Theo Tuyenquang.gov.vn